Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình cấp Bộ đạt 85% và cấp địa phương đạt 70%
Cỡ chữ: A+ A A- In bài viết: 🔼Tăng tương phản 🔽Giảm tương phản
TTĐT - ​Sáng 31-8, tại Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị chuyên đề của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số: "Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến". 

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; lãnh đạo các Bộ, ngành, các địa phương, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về công nghệ thông tin.

Tại điểm cầu Bình Dương, tham dự có ông Nguyễn Lộc Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở ngành tỉnh.

Hội nghị chuyên đề của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số 2.jpg

Đại biểu tham dự tại điểm cầu tại Bình Dương

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển dịch vụ công trực tuyến trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử và Chính phủ số, đồng thời khẳng định người dân là đối tượng phục vụ trung tâm trong các chiến lược này.

Thủ tướng  nhấn mạnh, Việt Nam đã trải qua hai giai đoạn chính trong phát triển dịch vụ công trực tuyến: Giai đoạn khởi động từ năm 2011 đến 2019 và giai đoạn phát triển theo chiều rộng từ năm 2020 đến nay.

Giai đoạn đầu chủ yếu tập trung vào việc xây dựng nền tảng cơ bản, với chỉ một số ít dịch vụ công trực tuyến mức độ cao (mức 4) được triển khai trên cả nước. Trong khi đó, giai đoạn hai chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là các dịch vụ toàn trình, cho phép người dân và doanh nghiệp thực hiện toàn bộ quy trình trên môi trường mạng mà không cần phải trực tiếp đến các cơ quan Nhà nước.

Hội nghị chuyên đề của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.png

Đại biểu tham dự tại điểm cầu tại Đà Nẵng

Dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến vẫn còn tồn tại nhiều thách thức. Một số Bộ ngành và địa phương đã đạt được tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình rất cao, lên tới 69%, nhưng nhiều đơn vị vẫn còn ở mức dưới 5%. Trung bình, các địa phương chỉ đạt được tỷ lệ 17,9%. Điều này cho thấy sự chênh lệch lớn trong mức độ hoàn thành giữa các đơn vị, đồng thời đặt ra yêu cầu cần có các giải pháp đột phá để nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Nhằm thúc đẩy việc phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Khung triển khai dịch vụ công trực tuyến. Khung này tập trung vào bốn nội dung chính: Tối ưu hóa các bước quy trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến thông qua rà soát và hoàn thiện thể chế; phát triển các công cụ nền tảng ứng dụng số dựa trên hạ tầng số và dữ liệu số; đảm bảo an toàn thông tin và an ninh mạng; và phát triển nhân lực số. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2024, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình phải đạt tối thiểu 70% đối với các Bộ ngành và 30% đối với các địa phương. Đến năm 2025, các tỷ lệ này phải đạt lần lượt 85% và 70%.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về các bài học kinh nghiệm từ quá trình triển khai dịch vụ công trực tuyến trong thời gian qua như: Xác định rõ mục tiêu cuối cùng là mang lại lợi ích thiết thực cho người dân; vai trò quan trọng của người đứng đầu trong việc chỉ đạo, triển khai quyết liệt; tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính để đơn giản hóa quy trình; ưu tiên phát triển các ứng dụng di động để tạo thuận lợi cho người dân sử dụng dịch vụ; cần có cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn người dân trong giai đoạn đầu tiếp cận với dịch vụ công trực tuyến…

Hội nghị chuyên đề của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số 1.png

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả đã đạt được, đồng thời nhấn mạnh những hạn chế cần phải khắc phục. Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành ở Trung ương và các địa phương cần ưu tiên nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra để nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong thời gian tới. Thủ tướng tin tưởng rằng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân, Việt Nam sẽ đạt được những bước tiến vượt bậc trong công cuộc chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới.

Phạm Hồng

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0