Chuyển đổi số là yếu tố cốt lõi để Bình Dương phát triển bền vững
TTĐT - Tại Phiên chuyên đề Hội thảo khoa học “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường một phần tư thế kỷ: Thành tựu và Triển vọng” diễn ra chiều 19-4 tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh, các chuyên gia, nhà khoa học đã trình bày những tham luận liên quan đến thành tựu của Bình Dương về phát triển kinh tế, đô thị trong 25 năm qua và định hướng phát triển thời gian tới, trong đó chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ trì Phiên chuyên đề gồm: Ông Võ Văn Minh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; ông Nguyễn Văn Hùng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Becamex IDC.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh báo cáo đề dẫn tại Phiên chuyên đề Kinh tế- Phát triển đô thị
Báo cáo đề dẫn Phiên chuyên đề, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh cho biết, về chuyên đề Kinh tế và Phát triển đô thị, Ban tổ chức đã nhận được 55 báo cáo khoa học (chiếm hơn 30% số lượng báo cáo gửi đến Hội thảo) của các học giả có chuyên môn sâu đến từ các cơ quan tư vấn, nghiên cứu và đào tạo liên quan về kinh tế, phát triển đô thị trong cả nước. Nhìn chung, các báo cáo khoa học ở chủ đề này khá đa dạng và phong phú về cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu, khung phân tích, đánh giá cũng như những luận giải khác nhau về lĩnh vực kinh tế, và phát triển đô thị tỉnh Bình Dương trong suốt 25 năm qua. Cụ thể, các tham luận tập trung ở 3 nhóm nội dung chính: Bình Dương trong bối cảnh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Kinh tế và mô hình tăng trưởng kinh tế tỉnh Bình Dương; Đô thị hóa và phát triển bền vững đô thị tỉnh Bình Dương.
Kinh tế số là động lực tăng trưởng
Mở đầu phiên Chuyên đề, GS.TS Trần Thọ Đạt - Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Kinh tế đã trình bày tham luận "Kinh tế số là động lực tăng trưởng quan trọng và một số kiến nghị với tỉnh Bình Dương".
Theo GS.TS Trần Thọ Đạt, thời gian vừa qua, tỉnh Bình Dương đã có định hướng tăng cường các ngành công nghiệp có thể vận dụng những thành tựu của Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 để ngành công nghiệp của tỉnh bước lên một giai đoạn phát triển mới. Bình Dương đã và đang xây dựng các trung tâm nhằm thu hút lực lượng công nghệ về để phát triển các sản phẩm, nghiên cứu các công nghệ 4.0, nhà máy thông minh để từng bước ứng dụng trong thực tế sản xuất. Tỉnh dự kiến phát triển hạ tầng số làm nền tảng cho xây dựng Chính quyền số, kinh tế số và đứng trong nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về khoa học dữ liệu (Data Science) và Trí tuệ nhân tạo (AI). Tỉnh cũng phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; cung cấp dữ liệu mở của chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp; hình thành, phát triển một số khu đô thị thông minh; từng bước phát triển các lĩnh vực thông minh quan trọng, hướng tới xây dựng thành phố thông minh; hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Bình Dương phấn đấu phát triển kinh tế số với giá trị đạt được chiếm khoảng 30% GRDP vào năm 2025 (cao hơn mức đạt được của cả nước); đến năm 2030 trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước; đến năm 2045 trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của khu vực châu Á.
GS.TS Trần Thọ Đạt - Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Kinh tế đã trình bày tham luận "Kinh tế số là động lực tăng trưởng quan trọng và một số kiến nghị với tỉnh Bình Dương"
Để Bình Dương phát triển bền vững, theo GS.TS Trần Thọ Đạt, việc nghiên cứu phát triển kinh tế số là rất quan trọng và cần thiết, đặc biệt cho các địa phương có tiềm năng và cơ hội phát triển như tỉnh Bình Dương, nhằm đánh giá đúng thực trạng phát triển kinh tế số tại tỉnh, tìm hiểu đúng nguyên nhân của các hạn chế, từ đó đưa ra được các định hướng chính sách và giải pháp cụ thể để phát triển kinh tế số theo đúng mục tiêu đã đặt ra cho Việt Nam nói chung và cho tỉnh Bình Dương nói riêng đến năm 2030. Hiện tại, chưa có nghiên cứu nào chuyên sâu về kinh tế số cho tỉnh Bình Dương, đặc biệt là về bộ tiêu chí tổng hợp đánh giá được phát triển kinh tế số của tỉnh, thực trạng của kinh tế số theo khái niệm tổng quát và thống nhất, ước lượng quy mô kinh tế số và đánh giá được tác động của kinh tế số đến nền cơ cấu kinh tế và chất lượng tăng trưởng, xác định được các yếu tố thúc đẩy phát triển kinh tế số tại tỉnh Bình Dương. Vì vậy, cần thực hiện một nghiên cứu cả về học thuật và thực tiễn phát triển kinh tế số, kết quả của nghiên cứu này sẽ giúp tỉnh Bình Dương có được đánh giá tổng thể về kinh tế số tại địa bàn, có định hướng về chính sách và các giải pháp cụ thể để phát triển kinh tế số đến năm 2030.
Cũng theo GS.TS Trần Thọ Đạt, Bình Dương cần ưu tiên, tập trung nguồn lực triển khai chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, mang lại các giá trị mới, thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Cần chuyển nhanh từ Chính quyền điện tử sang Chính quyền số và cách tiếp cận triển khai chuyển đổi số toàn diện của tỉnh theo 3 trục: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. "Thực hiện thành công kế hoạch chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số sẽ là một đóng góp quan trọng để Bình Dương trở thành một tỉnh văn minh, giàu mạnh, phát triển xanh, là môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống với những giá trị thiết thực cho người dân" – GS. TS Trần Thọ Đạt nhấn mạnh.
Tăng tốc chuyển đổi số trong doanh nghiệp
Theo GS.TS Trần Thọ Đạt, trong bối cảnh Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung đang chịu tác động cộng hưởng của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường, việc áp dụng hiệu quả công nghệ số là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần tạo động lực mới cho tăng trưởng và phục hồi kinh tế. Với sự phát triển bùng nổ của thị trường mua sắm trực tuyến, để góp phần xây dựng thị trường thương mại điện tử (TMĐT) lành mạnh tại Bình Dương và hỗ trợ doanh nghiệp bắt kịp đà phát triển, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, UBND tỉnh đã giao Sở Công Thương Bình Dương xây dựng Sàn TMĐT với nhiệm vụ liên kết, giao lưu, hợp tác giữa các thành phần kinh tế và người tiêu dùng, triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp từ khi bắt đầu tham gia đến lúc kinh doanh, hoạt động trên môi trường trực tuyến. Sàn TMĐT Bình Dương sẽ kết nối và mở ra một "cánh cửa mới" cho cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Bình Dương nói chung và doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng phát triển thị trường trong nước và vươn ra thế giới.
GS.TS Võ Xuân Vinh – Viện Nghiên cứu Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh trình bày tham luận "Động lực tăng trưởng mới của Bình Dương giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn 2050"
Còn theo GS.TS Võ Xuân Vinh – Viện Nghiên cứu Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, bước vào ngưỡng cửa của Cuộc CMCN 4.0, trong bối cảnh các doanh nghiệp trên thế giới đã có những chuyển mình mạnh mẽ, Bình Dương cần khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn đẩy nhanh việc chuyển đổi số. Tiến trình đang có nhiều thuận lợi do Chính phủ và chính quyền các cấp đang nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số để chuyển đổi song hành cùng các doanh nghiệp.
Về định hướng chiến lược, quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp cần tập trung vào hai mảng chính gồm: Chuyển đổi số mô hình kinh doanh và Chuyển đổi số năng lực quản trị. Trong đó, chuyển đổi số mô hình kinh doanh là việc chuyển đổi từ các kênh bán hàng truyền thống sang bán hàng đa kênh, áp dụng công nghệ số vào hoạt động chăm sóc khách hàng để tạo ra giá trị mới thông qua sử dụng các kênh bán hàng hiện đại và các sàn thương mại điện tử. Các ứng dụng trên điện thoại di động phục vụ mục đích giao hàng và vận chuyển sản phẩm có thể đáp ứng đúng nhu cầu vận chuyển của doanh nghiệp. Về mặt marketing, doanh nghiệp cần sử dụng các nền tảng quảng cáo trực tuyến như Google hay Facebook tiếp cận tới khách hàng tại các khu vực địa lý khác nhau. Đây là điều mà các cách thức truyền thống không thể làm được. Thực hiện áp dụng công nghệ số đối với kênh tiếp thị, bán hàng và phân phối là yếu tố then chốt để doanh nghiệp nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của mình.
Đại biểu phản biện các nội dung tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học
Đồng thời với tăng trưởng về mặt khách hàng và doanh thu, doanh nghiệp cần tập trung phát triển và duy trì năng lực quản trị nội bộ để giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Mô hình quản trị bao gồm con người và tổ chức, hệ thống công nghệ thông tin và quản trị dữ liệu, các nghiệp vụ quản lý, quản lý rủi ro và an ninh mạng cần được tổ chức một cách linh hoạt, phù hợp với yêu cầu quản trị của từng thời kỳ. Với nhu cầu số hóa các quy trình như quy trình thanh toán, kế toán, quy trình xuất kho, quản lý nhân sự, ngày càng gia tăng, doanh nghiệp có thể ứng dụng các giải pháp như ERP, MES, PLM, SCM, HRM, các hệ thống chấm công, tính lương, hệ thống bán lẻ POS và hệ thống quản lý kênh phân phối DMS.
GS.TS Võ Xuân Vinh lưu ý, việc tìm kiếm động lực tăng trưởng mới là cấp thiết đối với sự phát triển bền vững của tỉnh. Cụ thể, Bình Dương cần nghiên cứu phát triển mô hình đô thị thông minh, với ba trụ cột là chính quyền, con người và công nghệ. Bên cạnh đó, tỉnh cần hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển chiến lược chuyển đổi số nhằm tăng hiệu quả hoạt động và nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp.